Môi giới bất động sản “rơi rụng như sung”

Chủ nhật - 17/11/2019 01:39
Thị trường bất động sản chững lại và gặp nhiều khó khăn từ đầu năm 2019 đang khiến cho nhiều doanh nghiệp môi giới khủng hoảng, thậm chí phá sản. Nhiều công ty môi giới non trẻ đang phải vật lộn để bám trụ với thị trường.
Môi giới bất động sản “rơi rụng như sung”
Môi giới bất động sản “rơi rụng như sung”
 Thị trường bất động sản chững lại và gặp nhiều khó khăn từ đầu năm 2019 đang khiến cho nhiều doanh nghiệp môi giới khủng hoảng, thậm chí phá sản. Nhiều công ty môi giới non trẻ đang phải vật lộn để bám trụ với thị trường.

Thị trường bất động sản chững lại khiến nhiều môi giới từ bỏ cuộc chơi

Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong chín tháng đầu năm 2019, tại TP.HCM không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư. Trong khoảng thời gian này, chỉ có một dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83% và chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm 72%.

Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu, cho biết từ ngày Luật Nhà ở có hiệu lực đến tháng 08/2018 đã có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị dừng các thủ tục đầu tư. Những dự án này dù đã có quyết định chủ trương đầu tư, nhưng không làm được thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để làm tiếp các thủ tục đầu tư xây dựng.

Đến tháng 03/2019, lãnh đạo cơ quan trung ương và thành phố đã công bố 124 dự án được tiếp tục hoạt động bình thường, nhưng thực chất nhiều dự án đến nay vẫn chưa hoạt động bình thường.

Việc thị trường bất động sản “đứng bánh” không chỉ tác động đến hoạt động kinh doanh của các chủ đầu tư mà nhiều sàn môi giới, công ty môi giới, kinh doanh dịch vụ bất động sản cũng bị vạ lây. Trong số đó có không ít công ty môi giới bất động sản khởi nghiệp với tuổi đời còn non trẻ.

Anh Phúc, giám đốc một công ty môi giới vừa tròn ba tuổi, cho biết sự sôi động của thị trường bất động sản giai đoạn 2015 – 2017 đã khiến cho xu hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực này nở rộ. Thời điểm đó, nguồn cung bất động sản phong phú, nhu cầu khách hàng lớn nên dù chỉ mới thành lập công ty của anh vẫn sống khoẻ.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2018 đến nay, thị trường bắt đầu sụt giảm. Nguồn cung dự án mới ngày càng khan hiếm, cùng những “rối rắm” trong thủ tục đầu tư khiến nhiều dự án bị ách tắc, từ đó khiến cho thị trường càng trầm lắng.

Mặt khác, sau những biến cố như Alibaba cũng ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư của người mua nhà đất. Khách hàng ngày càng trở nên khó tính hơn khiến cho lượng giao dịch sụt giảm.

Tình hình khó khăn khiến cho nhiều môi giới tính chuyện bỏ nghề. Công ty anh Phúc thời điểm đông nhất có khoảng hơn 20 nhân viên, nhưng nay số này chỉ còn 15 người.

“Trước đây công ty chỉ phân phối căn hộ, nhưng nay phải mở ra cả đất nền để có giỏ hàng cho anh em chạy. Mà thị trường TP.HCM cũng không đủ hàng, tôi phải ra tận Nha Trang, Phan Thiết để kiếm nguồn hàng”, anh Phúc cho biết.

Theo các chuyên gia bất động sản, trong bối cảnh thị trường khó khăn, bên cạnh tiềm lực và uy tín thì bắt buộc các doanh nghiệp phải có chiến lược thay đổi linh hoạt để bám trụ. Đặc biệt, với những doanh nghiệp non trẻ thì đây là thời điểm có nhiều thách thức hơn, thậm chí không ít trường hợp bị phá sản.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, chia sẻ năm yếu tố quan trọng liên quan đến sự sinh tồn của một công ty môi giới. Đầu tiên là nguồn tài chính phải vững. Thứ hai, phải tự trang bị khả năng điều hành, quản lý doanh nghiệp.

Thứ ba, doanh nghiệp cần kết nối và xây dựng quan hệ chiến lược với các chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án để có thể mang về nguồn sản phẩm phân phối, đảm bảo hoạt động cho công ty.

Thứ tư là xây dựng tốt thương hiệu cá nhân, từ đó tạo dựng sự tin tưởng đối với các chủ đầu tư và đơn vị phát triển khi giao dự án cho doanh nghiệp phân phối. Mặt khác, thương hiệu cá nhân mạnh sẽ thu hút được nhiều nhân tài về cùng góp sức cho công ty. Doanh nghiệp muốn thành công và phát triển dài hạn không thể phụ thuộc vào một người mà phải là một tập thể giỏi.

Cuối cùng, phải hoạch định chiến lược, kế hoạch cụ thể phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Điều này cực kỳ quan trọng, có thể đơn cử như khi mới khởi nghiệp, tài chính còn hạn chế và mối quan hệ chưa sâu rộng. Nếu doanh nghiệp tuyển quân rầm rộ sẽ dễ rơi vào tình trạng thu không đủ chi. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ không nên ôm lấy nguồn hàng quá lớn vì sẽ dễ bị sa lầy.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây